Giá trị thực phẩm bị dùng lãng phí hoặc vứt bỏ trên thế giới hiện nay lên đến 1.200 tỉ USD/năm, riêng Việt Nam là 3,9 tỉ USD/năm.

Những con số gây sốc trên được đưa ra tại hội thảo giới thiệu các công nghệ hỗ trợ giảm lãng phí thực phẩm và xử lý phụ phẩm trong sản xuất và chế biến thực phẩm nằm trong Chiến dịch "Hành động để giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm" do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn địa phương (CRED) tổ chức ngày 2-10 tại TP HCM.

1/3 lương thực bị thất thoát

Theo ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, thất thoát và lãng phí thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm hiện tại với đại dịch Covid-19 khiến số người phải đối mặt với tình trạng đói ăn nghiêm trọng có thể tăng gấp đôi. "Kết quả nghiên cứu cho thấy 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu của con người trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí. Đối với Đan Mạch, ngăn ngừa thất thoát và lãng phí thực phẩm đã trở thành ưu tiên quốc gia kể từ năm 2010. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng sáng tạo và công nghệ tiên tiến đã đạt được trong 10 năm qua để truyền cảm hứng không chỉ cho các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm ở Việt Nam mà còn cho người tiêu dùng trong nước" - Đại sứ Đan Mạch nhấn mạnh.

Theo tài liệu hội thảo, lượng thực phẩm bị thất thoát hiện nay lên đến 1,6 tỉ tấn/năm, giá trị 1.200 tỉ USD và dự kiến năm 2030 con số này sẽ lên đến 1.500 tỉ USD. Do đó, mục tiêu của Đan Mạch là phối hợp cùng các nước (trong đó có Việt Nam), đến năm 2030, giảm 50% lượng thực phẩm bị thất thoát.

    /upload/images/tin-tuc/11-chot-11-1601649247920877093581.jpg

 

Tình trạng lãng phí xảy ra ở khâu sản xuất và chế biến thực phẩm ở những nước đang phát triển, còn nước phát triển xảy ra ở khâu phân phối, do người tiêu dùng "quá tay" trong việc mua thực phẩm hoặc do nhà bán lẻ đã loại bỏ những thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn về hình thức.

Ở Việt Nam, ThS Dương Thị Thu Hằng, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn khảo sát của CEL Consulting cho thấy tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam hiện ở mức 20%-25%, giá trị 3,9 tỉ USD/năm. Tỉ lệ thất thoát cao nhất là ở nhóm rau quả, khoảng 32% sản lượng, tương đương 7,3 triệu tấn/năm. Nhóm thủy sản có tỉ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn/năm. Mặt hàng lúa gạo Việt Nam cũng thất thoát đến 3 triệu tấn lúa (14%-15%).

Nỗ lực kéo giảm thất thoát

Tại hội thảo, các công ty Đan Mạch giới thiệu với đối tác Việt Nam nhiều công nghệ nhằm giảm thiểu thất thoát và lãng phí nguyên liệu thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển thuộc những ngành như: chế biến lúa gạo, sữa, hệ thống kho lạnh… Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm đến công nghệ mới nhưng lo lắng về quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ cũng như điều kiện tự nhiên khác biệt so với Đan Mạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề hội thảo, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam, đánh giá vấn đề giảm thất thoát sau thu hoạch của Việt Nam rất nan giải và để giải quyết được cần một chương trình cấp nhà nước như Đan Mạch đã làm. Trong đó, các nhà khoa học cần có thêm nhiều nghiên cứu cơ bản về thời hạn sử dụng của thực phẩm để tránh lãng phí vì DN thường để hạn sử dụng ngắn cho "chắc ăn", không sợ hư hỏng trong hạn sử dụng.

Cần xây dựng một hệ sinh thái để chuỗi cung ứng nông sản vận hành tối ưu thay vì còn nhiều thô sơ như hiện nay. Rất nhiều nông sản chuyển về TP HCM bằng xe đò, bảo quản không đúng nhiệt độ nên hư hỏng rất nhiều; hay những loại rau quả bị loại ra do không đạt về hình thức nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn, bị đem đi ủ phân, rất lãng phí. "Ngoài ra, việc truyền thông thay đổi nhận thức của người tiêu dùng cũng rất quan trọng do người Việt hiện vẫn còn kỳ thị thực phẩm đông lạnh, chỉ thích đồ tươi sống khiến thực phẩm bị lãng phí rất lớn trong quá trình từ thu hoạch đến người tiêu dùng" - bà Minh nói.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), nêu trường hợp cụ thể của HTX trong thời gian đầu chỉ bán chuối tươi, tỉ lệ loại bỏ lên tới 25% do không đạt về hình thức, HTX đã bỏ cả ngàn tấn. Cuối năm 2019, HTX đầu tư thêm xưởng sấy chuối từ nguồn phụ phẩm của chuối tươi xuất khẩu. Đến nay, doanh thu của HTX với 65% đến từ hàng tươi, 35% là dòng chế biến.

Còn Công ty CP Anfoods (Bến Tre, thương hiệu "Người giữ rừng") cũng thành công với chà bông cá chẽm, một sản phẩm chế biến tận dụng nguyên liệu là phần thịt vụn khi phi-lê cá chẽm. Để sử dụng được hết những nguyên liệu và gia tăng được giá trị cho sản phẩm, các DN phải đầu tư dài hạn cho cơ sở vật chất, công nghệ. Vì vậy, ngoài vốn, DN rất cần hỗ trợ để tìm kiếm công nghệ phù hợp cho từng mặt hàng của mình.

Theo Ngọc ánh

Người lao động

 

Nguồn tham khảo:

https://nld.com.vn/kinh-te/that-thoat-thuc-pham-len-toi-39-ti-usd-nam-20201002214616325.htm